Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kính thưa Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá của Trung ương, hôm nay,
Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ tư khoá XIII để thảo
luận, cho ý kiến về các vấn đề sau: Tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19 và
quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; Tình hình kinh
tế-xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Tình
hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; Chủ trương lùi thời
điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của
Hội nghị Trung ương 7 khoá XII; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Sửa
đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương
về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác.
Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhiệt
liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu
khách mời đã về dự Hội nghị; xin gửi tới các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và
lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí,
Để chuẩn bị cho Hội nghị, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo
Ban cán sự đảng Chính phủ, các Ban Đảng và các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn
bị các Báo cáo, các Đề án và các Tờ trình.
Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu để các đồng
chí nghiên cứu trước. Để tiết kiệm thời gian và phù hợp với tình hình dịch bệnh
đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, xin phép Hội nghị của chúng ta sẽ
không nghe đọc lại các Tờ trình tại Hội trường để dành nhiều
thời gian cho việc thảo luận. Sau đây, tôi xin phát biểu, lưu ý thêm một số vấn
đề liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở,
nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo
luận, xem xét và quyết định. Tựu trung có hai Nhóm vấn đề lớn:
1. Một số vấn đề về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022
Việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn
thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch bệnh
Covid-19, phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, thời điểm thực
hiện chính sách cải cách tiền lương năm nay có ý nghĩa quan trọng đặc biệt do
bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp, biến động bất thường; bên cạnh thời cơ,
thuận lợi, cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề
hơn so với dự báo. Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội
10 năm 2021-2030; và tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay,
đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn,
tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh
tế thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á và nước ta; làm thay đổi sâu sắc
trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và
đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến
lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo hướng: Nâng
cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số,
xã hội số, thương mại điện tử... Kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng trở lại
nhưng còn chậm, không đồng đều, chưa thật sự vững chắc, còn tùy thuộc vào diễn
biến của dịch bệnh và khả năng phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch
COVID-19; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới
tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo tiến hành rất thành
công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các
cấp nhiệm kỳ 2021-2026; sớm kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà
nước; khẩn trương xây dựng các Chương trình và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết
Đại hội XIII và tích cực tổ chức một số Hội nghị toàn quốc để triển khai thực
hiện, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà
nước, đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025. Toàn hệ thống chính trị đã chủ động,
tích cực vào cuộc; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc
phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ
trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát
sinh do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, đợt bùng phát
dịch lần thứ tư từ cuối tháng tư đến nay, với biến chủng mới - Delta, lây lan
rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực
đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta; đến đời sống vật
chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt
là đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ,
chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở
nơi tuyến đầu chống dịch.
Vì vậy, cùng với Tờ trình tổng hợp chung, Ban cán sự đảng Chính
phủ đã nghiên cứu, xây dựng các báo cáo về tình hình phòng, chống đại dịch
COVID-19; quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch trong tình
hình mới; tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán
ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm
2022-2024; cũng như việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương
theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.
Các báo cáo này có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau; đề nghị các đồng chí
dành thời gian nghiên cứu thật kỹ các tài liệu đã gửi và căn cứ vào thực tế
tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một
cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh
tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình
đại dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới. Chú ý tổng
kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn
chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính
sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa
phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy
trì, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua. Chỉ rõ những kết quả, thành
tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế,
yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân
chủ quan. Đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã
dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ sớm kiểm soát được dịch bệnh,
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ
người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản
xuất kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc
lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giữ vững
môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là
tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới; nắm bắt
thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ quan điểm, chủ trương
về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình
mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng,
chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai
thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao,
đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân
sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực
hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự
thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng
không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021
và trong cả năm 2022.
2. Một số vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Như chúng ta đều đã biết, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu
quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn
luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với
Đảng ta, chế độ ta. Không phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều nghị quyết,
quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo
riết, quyết liệt, có hiệu quả: Ngày 31/12/2011, Hội nghị Trung ương 4 khoá XI
đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng
hiện nay" (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng).
Sau đó, ngày 27/02/2012, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc
triển khai thực hiện Nghị quyết (họp 2 ngày rưỡi). Ngày 13/8/2012, họp Hội nghị
toàn quốc để hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo
tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày
25/3/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khoá XI, tháng 02/2013, Bộ Chính trị quyết
định thành lập "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng" trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban;
đồng thời lập lại Ban Nội chính Trung ương, làm cơ quan thường
trực; và mới đây, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng,
nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo. Ngày
30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương
4 "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự
diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ". Ngày
09/12/2016, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc (trực tuyến) để
triển khai thực hiện Nghị quyết này với sự tham dự của tất cả các đồng chí Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh
đạo chủ chốt của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành
phố trong cả nước, thể hiện tinh thần nghiêm túc và quyết tâm rất cao của toàn
Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngày 01/11/2011, Hội nghị
Trung ương 3 khoá XI đã ban hành Quy định số 47 về 19 điều đảng viên
không được làm. Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Chỉ thị
số 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh". Sau 5 năm thực hiện, mới đây, ngày 18/5/2021, Bộ
Chính trị khoá XIII này đã chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 05 và tổ
chức Hội nghị toàn quốc để phổ biến kết quả, và quyết định ban hành Kết
luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05.
Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và các
quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về
tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được
những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh
giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn
chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến
tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đại hội XIII của
Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày
càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì,
kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Nghị quyết Trung ương 4
khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại
hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống
nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hoá" trong nội bộ".
Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu liên quan gửi Trung ương
đã nêu khá đầy đủ các nội dung của Đề án. Đề nghị các đồng chí cho ý kiến về sự
cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Kết luận của Hội nghị
Trung ương lần này về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với
tên gọi, chủ đề và phạm vi mới của dự thảo Kết luận. Chỉ rõ có gì cần bổ sung,
điều chỉnh; nên chăng phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với
xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của
Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ
động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm,
tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung,
vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này. Trên cơ sở
kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, nhất là Nghị quyết Trung ương
4 khoá XI và XII, đề nghị các đồng chí nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu
cầu phòng, chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cực; nhưng
biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra
sao?
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề
nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề
ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Cho ý kiến cụ thể đối với việc Đề án kiến
nghị: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII;
đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về
xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có
đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng
cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập
trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực; về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây
dựng Đảng. Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để
làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng
nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ
chức thực hiện ngay; những giải pháp nào cần có thêm quy định, hướng dẫn; và
cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...
Về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không
được làm: Để góp phần xây dựng,
chỉnh đốn Đảng theo tinh thần trên đây, từ thực tiễn 4 năm thực hiện Quy định
số 115, ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị khoá X, Hội nghị Trung ương 3 khoá XI
đã ban hành Quy định số 47, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung
ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm (như trên đã nói). Thực tế
gần 10 năm triển khai thực hiện vừa qua cho thấy, các quy định này là rất cần
thiết; những nội dung của Quy định đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng
được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy
nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung
quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống
của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và
quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ
cương của Đảng. Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội
dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có
nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi thì cũng cần phải
được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đại biểu tham dự
Hội nghị với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú ở địa phương, cơ quan, đơn vị
mình đang công tác, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, sửa
trực tiếp vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương để ban
hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm,
đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm
tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên
theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới (như vậy là 3 khoá liên
tục Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi
khoá để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị -
điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát
triển mới).
Thưa các đồng chí,
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề
rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh
tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng,
chỉnh đốn Đảng. Đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm,
nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề
án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào
cuối kỳ họp.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ tư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; chúc Hội nghị của chúng ta thành công
tốt đẹp, và nhất định phải thành công tốt đẹp, để lại một dấu ấn mới trên con
đường phát triển và trưởng thành của Đảng ta, của Đất nước ta, Dân tộc ta.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn:Cổng TTĐT Chinhphu.vn